113 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước - Hành trình thay đổi vận mệnh dân tộc

Ngày 5-6-1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã bước chân lên tàu Amiral Latouche-Tréville, bắt đầu hành trình ra đi tìm con đường giải phóng dân tộc.

Ngày 5/6/1911, trên con tàu Amiral La Touche De Tréville của Pháp, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (lúc ấy vừa tròn 21 tuổi), đã rời Sài Gòn bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc. Có ai biết được rằng, chuyến đi này không chỉ là một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là một dấu mốc trọng đại đối với lịch sử dân tộc Việt Nam. Bởi chính từ dấu mốc này, Bác đã tìm ra hướng đi đúng đắn, làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc.

113 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước - Hành trình thay đổi vận mệnh dân tộc

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông ra đi vì muốn "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu". Sau này khi trả lời phỏng vấn, Hồ Chí Minh cho biết: "Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là Người Pháp. Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy".

Trong vòng 10 năm, từ năm 1911 đến năm 1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt Người đã dừng chân lâu ở Mỹ, Anh và Pháp. Người hòa mình vào cuộc sống của những người lao động, làm bất cứ việc gì để sống và hoạt động, như phụ bếp, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh, làm vườn, vẽ thuê... Vừa làm, Người vừa tranh thủ học tập, nghiên cứu…

113 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước - Hành trình thay đổi vận mệnh dân tộc

Đầu năm 1919, Người tham gia Đảng xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người đã thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Versailles yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam.

Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Marx-Lenin, tìm thấy ở đó ánh sáng chân lý của thời đại, con đường giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sau này, khi nhắc lại sự kiện quan trọng đó trong bài viết trên báo Nhân dân ngày 22/4/1960 về thời khắc Người đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lenin vào giữa tháng 7/1920, Bác viết: "Luận cương của Lenin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!".

113 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước - Hành trình thay đổi vận mệnh dân tộc

Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, tháng 12-1920

Ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Người, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối chính trị và về tổ chức của các phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng khẳng định tầm nhìn, vai trò, bản lĩnh, trí tuệ và uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là cống hiến to lớn và đầy sáng tạo của Người trong việc vận dụng chủ nghĩa Marx-Lenin vào việc thành lập một đảng cách mạng chân chính để lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

113 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước - Hành trình thay đổi vận mệnh dân tộc

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Người đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một thời đại mới rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc - Thời đại Hồ Chí Minh.

113 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước - Hành trình thay đổi vận mệnh dân tộc

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc

Chuyến tàu cách đây 113 năm khởi đầu, hành trình ba thập niên bôn ba tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và kết quả là Việt Nam đã thoát khỏi xích xiềng nô lệ, tiến bước trên con đường xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Đánh giá cao vai trò, vị trí của thanh niên và công tác thanh niên là quan điểm xuyên suốt, nhất quán trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

113 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước - Hành trình thay đổi vận mệnh dân tộcTuổi trẻ ĐH Công nghiệp Hà Nội quyết tâm học tập và rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Theo Người, muốn giành độc lập cho dân tộc, đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân, không có con đường nào khác ngoài con đường làm cách mạng. Quá trình làm cách mạng là một quá trình gian khổ và lâu dài, do vậy, cách mạng là sự nghiệp của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, thế hệ đi trước phải có trách nhiệm chuẩn bị lực lượng kế tục, đó chính là thanh niên. Thanh niên hiện nay đang đứng trước những cơ hội và thách thức chưa từng có. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những tiến bộ vượt bậc, Internet vạn vật kết nối (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra những chân trời mới cho sự phát triển. Tuy nhiên, để nắm bắt và tận dụng những cơ hội này, thanh niên cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc học tập, rèn luyện kỹ năng đến việc xây dựng những giá trị đạo đức, lý tưởng cao đẹp.

Có thể nhận định rằng, mỗi người thanh niên đều đang đứng trước “chuyến tàu” của cuộc đời mình. Trong những sự lựa chọn này của thanh niên, nếu chậm chân thì sẽ không kịp tàu, nhưng nếu vội vàng thì có thể thiếu hành lý hoặc chọn sai điểm đến. Do đó, trước hết, thanh niên cần phải xác định rõ thực lực của mình, điểm đến của mình chứ không thể mơ hồ kiểu đi đâu cũng được, làm gì cũng được.

Thanh niên cần phải trang bị cho mình những kiến thức, thái độ và kỹ năng cần thiết để có thể bước vững vàng trên hành trình của thời đại. Điều này đòi hỏi sự tự giác học tập, rèn luyện không ngừng, từ việc nắm bắt các kiến thức cơ bản đến việc cập nhật các xu hướng, công nghệ mới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc học ngoại ngữ, trau dồi kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng thích ứng với môi trường làm việc đa văn hóa trở nên vô cùng cần thiết. Đặc biệt, tham gia các phong trào Đoàn - Hội, những hoạt động tình nguyện, các dự án khởi nghiệp vì cộng đồng không chỉ là môi trường giúp thanh niên trưởng thành hơn mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của xã hội. Nhìn lại hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chuyến tàu cách đây hơn một thế kỷ, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu và lý tưởng sống. Hành trình của Người không chỉ là hành trình tìm kiếm con đường cứu nước mà còn là hành trình xây dựng những giá trị cao đẹp của con người. Thanh niên ngày nay, với tinh thần tiên phong, sáng tạo và trách nhiệm, cần tiếp tục nỗ lực để viết tiếp những trang sử vẻ vang, đóng góp vào sự phát triển của địa phương, đất nước và toàn cầu.

Thanh niên hãy bước đi mạnh mẽ với các giá trị Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn. Hãy để những giá trị tốt đẹp, những lý tưởng cao quý dẫn lối, để mỗi chặng đường chúng ta đi qua không chỉ là hành trình của riêng mình mà còn là hành trình của cả cộng đồng. Hãy để mỗi bước chân của chúng ta đều góp phần làm cho cộng đồng này trở nên tốt đẹp hơn.

- Sưu tầm -

  • Thứ Tư, 07:56 05/06/2024