Hành trình Thanh niên làm theo lời Bác
Ngày 7/6 - 9/6/2024, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên tổ chức "Hành trình Thanh niên làm theo lời Bác" cho sinh viên, cán bộ Đoàn - Hội tiêu biểu tham quan, tìm hiểu, học tập tại các khu di tích, lịch sử tại Cao Bằng.
Trong 3 ngày từ 7/6 - 9/6, Đoàn công tác gồm CBVC, sinh viên, cán bộ Đoàn - Hội tiêu biểu đã có chuyến đi thực tế vô cùng thuận lợi và ý nghĩa tại Cao Bằng. Trưởng đoàn là đ/c Đỗ Minh Hiền - UVBCH Thành đoàn, Bí thư Đoàn trường.
Trong 3 ngày đoàn công tác đã được học tập, tìm hiểu tại 5 địa điểm: Khu di tích lịch sử chiến thắng biên giới (Đông Khê, Đức Long), núi Báo Đông, Đông Ngườm Ngao, Thác Bản Giốc và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.
Ngày đầu tiên, đoàn đã dừng chân tại khu Di tích lịch sử chiến thắng biên giới Đông Khê, dâng những nén hương, vòng hoa thơm tưởng niệm 483 liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ chiến dịch biên giới 1950.
Đoàn dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ chiến dịch biên giới
Chiến thắng Đông Khê mở màn Chiến dịch Biên giới năm 1950 đã tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê, cô lập địch ở Cao Bằng, tạo điều kiện đánh viện binh địch trên Quốc lộ 4. Đây là trận tiến công địch trong công sự vững chắc lớn nhất với quy mô lớn của ta tới thời điểm năm 1950. Trận đánh đã đánh dấu sự phát triển của quân đội ta, làm cơ sở cho sự hình thành chiến thuật sau này, tạo cơ hội cho ta tiêu diệt viện binh địch trong giai đoạn tiếp sau.
Đoàn tìm hiểu về chiến dịch biên giới 1950 tại khu trưng bày
Tiếp đó đoàn di chuyển tới khu vực khu di tích núi Báo Đông; núi Báo Đông thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt địa điểm chiến thắng biên giới năm 1950, xã Đức Long, huyện Thạch An là địa điểm ghi dấu sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp quan sát và chỉ đạo trận đánh Đông Khê – trận đánh mở màn cho chiến dịch biên giới 1950. Trải qua hơn 800 bậc thang, đoàn công tác đã lên đỉnh núi Báo Đông. Đứng trước khung cảnh mênh mông của núi rừng tươi đẹp từ trên cao, trong mỗi ĐVTN lại dâng trào niềm xúc động vô cùng tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh của những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc, bảo vệ nền độc lập, bảo vệ quê hương nước nhà.
Đoàn dâng hương tại đỉnh núi Báo Đông
Ngày thứ 2, đoàn được học tập, tìm hiểu tại khu Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Di tích lịch sử Pác Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đây là địa điểm từng gắn với hoạt động của Bác trong giai đoạn đầu trở về Tổ quốc lãnh đạo Cách mạng (1941 - 1945). Đoàn đã dâng hương tại đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải nghiệm khung cảnh hùng vĩ của núi Các Mác, suối Lê Nin. Tham quan khu vực di tích đầu nguồn: Hang Cốc Bó, nền nhà ông Lý Quốc Súng, hang Lũng Lạn, hang Ngườm Vài, suối Lê Nin.
Đoàn tham gia tìm hiểu tại khu di tích Quốc gia Pác Bó
- Hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”) rộng khoảng 80m2, cửa hang chỉ một người đi vừa. Đây là nơi Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng ở từ ngày 08/02/1941 đến trung tuần tháng 3 năm 1941. Trong hang hiện còn một bộ bàn ghế mà Bác đã từng ngồi làm việc với các cán bộ cách mạng và dịch các tài liệu quan trọng.
- Nền nhà ông Lý Quốc Súng: là ngôi nhà Bác Hồ đã ở khi mới trở về Tổ quốc chỉ đạo cách mạng (từ ngày 28 tháng 01 đến ngày 07/02/1941). Ngôi nhà này được xây dựng khoảng năm 1937, theo kiểu nhà sàn ở địa phương.
- Hang Lũng Lạn: là nơi Bác ở và làm việc trong khoảng cuối tháng 3 năm 1941. Hang rộng khoảng 50m2.
- Hang Ngườm Vài: tại đây, năm 1941, Bác trực tiếp dự và hướng dẫn và kết nạp Đảng cho đồng chí Nông Thị Trưng. Hang rộng khoảng 80m2.
- Suối Lê Nin: thời gian ở Pác Bó, Bác thường ngồi câu cá ở suối này. Đến nay, di tích vẫn giữ được cảnh quan tương đối nguyên vẹn.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm trước núi Các Mác, suối Lê Nin
Ngày cuối cùng, đoàn đã tới thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao. Đến với Cao Bằng thì không thể không nhắc tới Thác Bản Giốc. Nơi đây giống như một biểu tượng của Cao Bằng với cảnh sắc hùng vĩ. Thác Bản Giốc nằm ngay tuyến biên giới Trung Việt, vì vậy phần thác chính đang được Việt Nam và Trung Quốc cùng khai thác du lịch và phần thác phụ thì nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Thác Bản Giốc
Cuối cùng, đoàn đã dừng chân tại động Ngườm Ngao - hang động có vẻ đẹp kỳ thú này ẩn mình trong một ngọn núi hùng vỹ ở xã Đàm Thủy huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Trong từ Ngườm Ngao theo nghĩa của tiếng Tày thì Ngườm có nghĩa là động, Ngao có nghĩa là Hổ. Ngườm Ngao tức là Động Hổ do lời truyền miệng kể lại rằng hồi xưa trong động có nhiều hổ sinh sống, chúng thường vào khu dân cư xung quanh bắt vật nuôi của nhân dân địa phương sau đó người dân đặt bẫy và đã bắt hết được hổ để người dân được sống an lành. Bên cạnh lời truyền miệng trên còn có một truyền thuyết khác là tên gọi Ngườm Ngao xuất phát từ việc nghe tiếng nước chảy trong động hòa vào nhau như tiếng hổ gầm. Những truyền thuyết ly kỳ kết hợp với Vẻ đẹp hoang sơ hoàn toàn do thiên nhiên tạo tác làm cho không gian động càng thêm cuốn hút.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại cửa động Ngườm Ngao
Bên trong hang động có rất nhiều nhũ đá tự nhiên có hình dáng giống hệt đời thường như: Ruộng bậc thang, hình dạng muôn thú, chim, sư tử, voi, lợn... Và đặc biệt thiên nhiên thật kì diệu khi tạo ra những hình ảnh đặc biệt như bàn thời Bác hồ hay hình bông sen vô cùng tuyệt diệu.
Kết thúc chuyến đi, Nguyễn Văn Sáng - lớp Ô tô 7 - K15, sinh viên tiêu biểu Trường Cơ khí Ô tô chia sẻ: "Chúng em xin chân thành gửi lời cảm ơn sâu sắc đến thầy cô , anh chị và các bạn đã cùng chúng em tham gia chuyến đi du lịch ý nghĩa vừa qua. Chuyến đi không chỉ là cơ hội để tím hiểu truyền thống, lịch sử cách mạng, khám phá những địa điểm đẹp, trải nghiệm văn hóa mới mà còn là dịp để chúng ta tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ và tạo dựng mối quan hệ tình cảm. Chúng em rất biết ơn vì sự hỗ trợ và sự quan tâm của mọi người trong suốt chuyến đi. Sự ấm áp, niềm vui và sự hòa mình trong không khí du lịch đã làm cho chuyến đi trở nên ý nghĩa và thú vị hơn bao giờ hết. Dù chuyến đi chỉ kéo dài trong vài ngày nhưng những trải nghiệm và kỷ niệm mà chúng ta đã chia sẻ sẽ còn mãi với chúng em. Chúng em hy vọng rằng chúng ta sẽ có nhiều cơ hội khám phá thế giới, học hỏi và tạo dựng kỷ niệm mới cùng nhau trong tương lai."
Nguyễn Thị Ngọc Ánh - UVBCH Liên chi đoàn khoa Điện tử chia sẻ: "Em chân thành cảm ơn thầy cô, Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên đã tổ chức, hướng dẫn và đồng hành cùng chúng em suốt hành trình qua. Quá nhiều kỷ niệm, dấu ấn và niềm vui. Chúc mọi người thật nhiều sức khỏe và thành công. Cảm ơn các bạn đã cùng mình tham gia chuyến đi này <3
Nguyễn Văn Hòa - UVBCH Liên chi hội Trung tâm Việt Nhật cũng có những chia sẻ: "Em cảm ơn các thầy cô đã tạo điều kiện cho bọn e có một chuyến đi tham quan trải nhiệm đầy ý nghĩa để biết thêm về lịch sử dân tộc. Mình cũng xin cảm ơn tất cả các bạn là cùng nhau đồng hành tạo một chuyến đi thành công. Xin cảm ơn mọi người!".
Khoảnh khắc đáng nhớ khi vượt 800 bậc thang lên đỉnh núi Báo Đông của ĐVTN Nhà trường.
Trải qua 3 ngày, đoàn sinh viên, cán bộ Đoàn - Hội tiêu biểu đã có chuyến đi thành công và ý nghĩa. Thông qua hành trình này, ĐVTN đã được tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng. ĐVTN được nâng cao hiểu biết, nhận thức, ý thức chính trị, trách nhiệm, qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, cho ĐVTN. Cùng với đó ĐVTN đã được giao lưu, học hỏi lẫn nhau tạo tinh thần đoàn kết trong sinh viên Nhà trường.
Một số những hình ảnh tại hành trình:
Thứ Hai, 09:04 10/06/2024
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.