Di sản Lênin trong sự nghiệp đổi mới của chúng ta
Lênin với sự nghiệp chính trị cao cả của mình trong buổi bình minh của chủ nghĩa xã hội, với trí tuệ uyên bác của nhà tư tưởng thiên tài, qua di sản 9.000 tác phẩm mà ông để lại cho đời đã để lại cho chúng ta những bài học quý giá về lập trường quan điểm, về nguyên tắc tính đảng, về tầm tư duy chiến lược và về đạo đức trong sáng cộng sản chủ nghĩa.
V.I. Lênin (22.4.1870 - 21.01.1924) là nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận chính trị kiệt xuất, lãnh tụ lỗi lạc của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
Ông đặt niềm tin lớn lao vào sức sáng tạo của nhân dân, vào thế hệ những người cộng sản trẻ tuổi. Những bài học ấy được tổng kết từ trí tuệ và nhân cách Lênin còn giá trị mãi tới ngày nay, còn nguyên tính thời sự trong sự nghiệp đổi mới của chúng ta.
Kỷ niệm 148 năm ngày sinh của Lênin vĩ đại (22/4/1870 - 22/4/2018), chúng ta nghĩ tới di sản mà ông để lại cho hậu thế. Đó là di sản của bậc vĩ nhân thiên tài, người đã truyền bá, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác vào nước Nga, từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 20 của thế kỷ XX.
Công lao vô giá của Lênin đối với lịch sử thế giới hiện đại nổi bật trên những phương diện chủ yếu:
- Sáng lập học thuyết Đảng kiểu mới, Đảng mang bản chất của giai cấp công nhân, đội tiên phong chiến đấu được vũ trang bởi lý luận tiên phong, thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội loài người, chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, xây dựng xã hội tương lai xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa mà Mác - Ăngghen đã đặt nền móng về tư tưởng lý luận.
- Lãnh đạo thành công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại, khai sinh ra chủ nghĩa xã hội hiện thực với nước Nga Xô Viết, làm cho Đảng Cộng sản lần đầu tiên trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội mà ông gọi là Đảng chấp chính. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và sự ra đời của nước Nga Xô Viết, một thời đại mới trong lịch sử thế giới nhân loại đã bắt đầu. Đó là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, mở ra con đường phát triển bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc trong cuộc đấu tranh vì lý tưởng và mục tiêu xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa.
- Một trong những cống hiến đặc sắc của Lênin còn là ở chỗ, ông là người đề xướng cải cách chủ nghĩa xã hội với “Chính sách kinh tế mới” (NEP), đem chính sách kinh tế mới thay thế “chính sách cộng sản thời chiến” vào đúng lúc cần thiết, nhờ đó đã đưa nước Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau Cách mạng Tháng Mười, trong tình cảnh nước Nga Xô Viết non trẻ vừa mới ra đời đã bị 14 nước tư bản đế quốc bao vây hòng bóp chết chủ nghĩa xã hội mới chỉ như một mầm non mới nhú, đã làm cho chính quyền Xô Viết đứng vững và nước Nga xã hội chủ nghĩa nhanh chóng hồi sinh. Với “Chính sách kinh tế mới” Lênin không chỉ thuần túy đem chính sách thuế lương thực thay thế cho chính sách cộng sản thời chiến, dùng lợi ích kinh tế, vật chất như một đòn bẩy, tạo động lực làm nảy sinh tính tích cực lao động của công nhân, nông dân và mọi người lao động nói chung trong buổi đầu xây dựng, kiến thiết chế độ mới mà sâu xa hơn, đó còn là khởi đầu kiến tạo mô hình phát triển mới của chủ nghĩa xã hội, giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xã hội để thúc đẩy phát triển.
Chính sách kinh tế mới gợi mở một trong những điều sâu xa về lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội, nó là một phức hợp kinh tế - chính trị và văn hóa để xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa trên cơ sở khoa học, tuân thủ quy luật khách quan và đáp ứng nhu cầu lợi ích của người lao động. Đó thực sự là những bảo đảm cho sức sống và triển vọng của chủ nghĩa xã hội mà sau này, Hồ Chí Minh đã từ thực tiễn khái quát thành lý luận. Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, phải “làm đúng quy luật”, phải “thuận lòng dân” và phải “hợp với thời đại”, tận dụng mọi thành tựu kinh tế - kỹ thuật và quản lý của chủ nghĩa tư bản, sử dụng cả chuyên gia tư sản có tài vào mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích lâu dài của chủ nghĩa xã hội.
Dù chỉ trong một thời gian ngắn, Lênin chỉ có thực tiễn bảy năm xây dựng chủ nghĩa xã hội (1917 - 1924), ông mất vào năm 1924 khi mới 54 tuổi, nhưng những gì ông để lại cho hậu thế là vô cùng quan trọng, quý giá. Ông xứng đáng được thừa nhận là “nhà cách tân vĩ đại đầu tiên trong lịch sử chủ nghĩa xã hội hiện thực”. Ông đặt niềm tin lớn lao vào sức sáng tạo của nhân dân, vào thế hệ những người cộng sản trẻ tuổi. Những bài học ấy được tổng kết từ trí tuệ và nhân cách Lênin còn giá trị mãi tới ngày nay, còn nguyên tính thời sự trong sự nghiệp đổi mới của chúng ta. Lênin đã từng nhạy cảm nhận ra vai trò của lợi ích, của dân chủ và sâu xa hơn, của văn hóa ngay trong buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong đổi mới, Đảng ta đã đặc biệt chú trọng vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng đó của Lênin, của chủ nghĩa Mác - Lênin để làm cho đổi mới thực sự có sinh khí, có động lực từ lòng dân, từ sức sáng tạo của nhân dân. Ý Đảng gắn với lòng dân trở thành phép nước - Đó là sức mạnh vô tận của đổi mới hơn 30 năm qua ở nước ta do Đảng lãnh đạo.
Lênin đã từng nêu rõ yêu cầu quan trọng của đổi mới kinh tế phải gắn liền và đồng bộ với đổi mới chính trị, phải nêu cao trách nhiệm “thảo luận thì chung, trách nhiệm thì riêng, riêng tới từng người một”. Lênin cũng từng xác định: mấu chốt của công việc là tổ chức bộ máy và con người, cho nên phải “chọn đúng người, giao đúng việc và kiểm tra thường xuyên”, phải nhổ sạch đám cỏ dại quan liêu trên mảnh đất của chủ nghĩa xã hội, phải đẩy lùi những kẻ thù nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội: bệnh kiêu ngạo cộng sản, tệ quan liêu và nạn hối lộ. Trong cải cách thể chế, bộ máy, theo Lênin, phải quán triệt tinh thần “thà ít mà tốt”, “chính trị cần đến bộ máy”, nhưng “bộ máy phải phục vụ chính trị” chứ “chính trị không chạy theo bộ máy, không phục vụ bộ máy”…
Những chỉ dẫn đó vào lúc này là vô cùng cần thiết đối với chúng ta, có ý nghĩa sâu xa trong đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở nước ta.
Nhớ lại, cách đây hơn 90 năm, khi viết Đường cách mệnh (1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định “chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất, triệt để mau mắn thắng lợi nhất” là chủ nghĩa Lênin (Mác - Lênin). Từ đó Người tin theo Lênin, suốt đời phấn đấu hy sinh theo lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng về quyền tự quyết của các dân tộc của Lênin là một cống hiến vô giá đã dẫn đến bước ngoặt trong hành trình tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Nhờ đó, Người đã tìm ra con đường cách mạng đúng đắn để giải phóng dân tộc và phát triển dân tộc ta tới chủ nghĩa xã hội. Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới từ Đại hội VI (12-1986) đến nay đã luôn luôn khẳng định: Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của đảng, kim chỉ nam hành động của cách mạng nước ta… Ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, làm cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, xứng đáng là một đảng cách mạng chân chính theo học thuyết đảng kiểu mới của Lênin, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân…
Từ những định hướng chiến lược đó, ta càng cảm nhận sâu xa giá trị, ý nghĩa và sức sống của di sản Lênin trong sự nghiệp của chúng ta. Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, trung thành với di huấn của Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách sáng tạo, nhất định sự nghiệp đổi mới của chúng ta sẽ đi tới thắng lợi, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
NGUỒN: GS.TS. HOÀNG CHÍ BẢO (Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương)
Thứ Sáu, 09:22 17/04/2020
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.